Kỹ năng đường phố là một trong những điều vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống ngày nay. Bản năng đầu tiên cần có của các bậc cha mẹ là che chở cho con cái khỏi mọi nguy hại trong thế giới rộng lớn và phức tạp này. Luôn giữ con trẻ bên cạnh có thể là phương án tốt, tuy nhiên, con bạn sẽ không thể tự chăm sóc và bảo vệ bản thân mình trong những trường hợp khẩn cấp nếu không được hướng dẫn đầy đủ.
Dưới đây là một vài lời khuyên về kỹ năng đường phố bạn cần dạy cho trẻ em từ 7 đến 14 tuổi.
1. Dạy con cách thông báo cho cha mẹ biết vị trí hiện tại mọi lúc mọi nơi
Hãy tập cho con bạn có thói quen thông báo vị trí chính xác khi ra ngoài, bạn sẽ không bao giờ phải đoán mò nơi chúng đang ở. Nếu con bạn chưa về nhà khi đã muộn, bạn sẽ biết nơi tìm ra chúng. Nếu bạn không tìm thấy con ở đó, có thể điều gì đó không hay đã xảy ra với con và bạn cần tìm cách cứu con trước khi quá muộn.
2. Tập cho con bạn sự tự tin
Nếu kẻ bắt cóc trẻ em vào trung tâm mua sắm, hắn sẽ tấn công một đứa bé trông nhút nhát, sợ hãi hay một đứa trẻ năng động, tự tin? Những kẻ xấu ghét sự chú ý. Con bạn dạn dĩ và có thể la hét bất cứ lúc nào gặp nguy hiểm sẽ là điều khiến hắn phải dè chừng.
3. Đi cùng với những đứa trẻ khác
Khi con bạn đủ lớn để đi ra ngoài một mình, hãy bảo trẻ luôn đi cùng với ít nhất một người bạn. Xin nhắc lại lần nữa, kẻ xấu rất sợ sự chú ý và chúng thường tấn công những đứa trẻ trông yếu đuối. Một nhóm trẻ con đi cùng với nhau không dễ bị tấn công vì có thể mang đến cho hắn nhiều rắc rối. Ngoài ra, nếu con trẻ gặp tình huống nguy hiểm, bạn của con có thể thông báo cho bạn.
4. Không nghe nhạc, nghe điện thoại khi di chuyển
Một trong những yếu tố quan trọng của kỹ năng đường phố là nhận thức được môi trường xung quanh. Những thứ gây mất tập trung sẽ khiến con bị xao lãng. Khi trẻ nhỏ vừa đi vừa nghe nhạc, chúng sẽ không thể phát hiện và cảnh giác kẻ xấu đang bám theo phía sau. Nếu con trẻ không bị phân tâm bởi âm nhạc, các cuộc trò chuyện online hay đọc tin tức trên mạng xã hội, chúng có thể phản ứng lại với tình huống xấu bằng cách bỏ chạy hoặc hét lên để kêu gọi sự giúp đỡ.
5. Luôn giữ trẻ em ở nơi an toàn
Trước khi đủ lớn để khám phá thế giới một mình, con trẻ cần nhận thức được nơi nào an toàn, nơi nào nguy hiểm cần tránh xa. Không thể hy vọng một đứa bé chưa có khả năng phòng vệ không dính phải rắc rối nếu con cứ đi loanh quanh các khu vực nguy hiểm trong thành phố.
6. Hướng dẫn con các kỹ năng khi sử dụng phương tiện công cộng
Tại các thành phố lớn, nếu trẻ em phải thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cha mẹ nên đi cùng con đến trường trong vài ngày đầu tiên. Khi trẻ đã quen với tuyến đường, bạn có thể suy xét để con tự đi, chỉ khi bạn cảm thấy đã đủ an toàn. Nếu bạn quyết định để con trẻ tự di chuyển một mình, hãy khuyên con ngồi gần bác tài để chúng không bị lỡ trạm. Nếu con trẻ bị một trong những hành khách quấy rầy, chúng có thể chuyển đổi chỗ ngồi hoặc nhờ người khác hoặc bác tài giúp đỡ. Con trẻ có thể gọi cho bạn trong trường hợp chúng bỏ lỡ chuyến xe, vì vậy, hãy luôn giữ điện thoại bên cạnh.
Các bậc cha mẹ nên cho con thêm vài số điện thoại khác của người thân mà chúng có thể liên lạc để cầu cứu trong trường hợp điện thoại của bạn bị tắt.
7. Sáng tạo mật khẩu an toàn
Đặt mật khẩu dành riêng cho thành viên trong gia đình để giúp con bạn có thể nhận ra người mà chúng nên tin tưởng. Trong trường hợp bạn nhờ người khác đón con khi quá bận rộn, hãy dặn con bạn hỏi mật khẩu để xác nhận. Cần dạy con trẻ không được đi bất cứ nơi nào với bất kỳ ai nếu họ không thể trả lời mật khẩu. Điều này sẽ bảo vệ con bạn khỏi những kẻ bắt cóc.
8. Tự phòng vệ khi gặp nguy hiểm
Đôi khi hành động theo bản năng sẽ bảo vệ con bạn khỏi nguy hiểm. Hãy cho con trẻ biết rằng chúng không cần phải cư xử lễ phép trong trường hợp xấu. Ví dụ như nếu con trẻ đang đi trên phố và bị một người vô gia cư tiếp cận để xin tiền, hãy bảo chúng hoàn toàn có thể từ chối.
Trẻ nhỏ cần lảng tránh sự tiếp cận của người lạ cho đến khi chúng đủ lớn để phân biệt người tốt kẻ xấu. Nếu người đó cố tình quấy rầy ngay cả khi con bạn đã từ chối, hãy bảo trẻ nên nhờ người qua đường giúp đỡ.
9. Cẩn thận khi sử dụng thang máy và những khu vực tối
Nếu con trẻ cần đi thang máy nhưng người bên trong khiến con lo lắng, hãy bảo chúng không nên vào mà hãy chờ đợi. Nếu người đi cùng thang máy trông có vẻ đáng ngờ, bạn nên khuyên con ấn nút và đi ra ngoài ở tầng kế tiếp. Điều này cũng cần được áp dụng với những khu vực thiếu ánh sáng hoặc những góc khuất trong các tòa nhà, trung tâm thương mại, địa điểm công cộng…
10. Cân nhắc về giúp đỡ từ người lạ
Nên dạy trẻ không được nói chuyện với người lạ mặt. Trẻ nhỏ thường có xu hướng làm theo hành động của người lớn. Khi con bạn thấy cha mẹ nói chuyện với một người lạ mặt trong cửa hàng tạp hóa hoặc trên đường phố, con có thể sẽ nghĩ rằng chúng được làm như vậy.
Hãy dạy con trẻ hành động tùy theo từng trường hợp. Cần cân nhắc điều này vì đôi khi người không quen biết ở bên cạnh là những người duy nhất có thể giúp đỡ chúng ngay lập tức. Ví dụ, ngôi nhà của bạn không may bị hỏa hoạn, người qua đường sẽ giúp con bạn thoát ra ngoài an toàn. Nếu con bạn tưởng rằng chúng không nên nói chuyện với bất kỳ người lạ nào, chúng có thể từ chối nhận sự giúp đỡ khi cần thiết.
11. Gần gũi với con
Điều gì sẽ xảy ra nếu những người mà bạn tin tưởng như người thân, hàng xóm hoặc bạn bè đáng tin cậy gây ra mối nguy hiểm con bạn? Cách tốt nhất để xử lý tình huống này là gần gũi nhiều hơn với con của bạn. Hãy để chúng biết rằng bạn sẽ luôn xuất hiện để bảo vệ chúng, bất kể việc gì xảy ra.
Một số kẻ xấu sẽ đe dọa để giữ trẻ im lặng. Con trẻ có thể sẽ bị dọa rằng chúng sẽ bị giết nếu dám khai báo với người lớn về những việc không hay đang diễn ra với chúng, hoặc một trong những thành viên trong gia đình sẽ bị tổn thương nếu chúng dám nói ra. Hãy cho con bạn biết là không cần phải giữ bí mật, luật pháp sẽ bảo vệ tất cả mọi người.
Nếu người lạ hoặc bất cứ ai khiến con trẻ không thoải mái, hãy dặn con phải luôn luôn tâm sự với bạn vì sự an toàn của chính mình. Chính vì thế, bạn không bao giờ được bỏ qua những lời than vãn từ con. Hãy thực sự lắng nghe và nghiêm túc xem xét những gì con nói với bạn.
>> Nguồn: dep.com.vn
Comment here