Theo nhiều giáo viên, lãnh đạo các trường, giáo viên cần tạo tâm lý thoải mái nhất cho học sinh để lấy lại hứng thú học tập ngay trong những ngày đầu năm mới.
Ngày mai, 11/2/2019 (mùng 7 tết Kỷ Hợi), sau kỳ nghỉ dài ngày, học sinh các cấp, từ mầm non tới trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố sẽ quay trở lại trường, học tập bình thường.
Vấn vương sau kỳ nghỉ dài ngày
Những ngày đầu năm mới, sau kỳ nghỉ dài ngày dịp tết Nguyên Đán, học sinh chắc chắn sẽ còn nhiều vấn vương với không khí Tết. Học sinh sẽ có tâm lý uể oải, không thích đi học sau những ngày vui chơi thỏa thích.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình trong nhiều năm giảng dạy, một nữ giáo viên mầm non đang công tác tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi trẻ được nghỉ quá lâu, quay trở lại trường, giờ giấc ăn ngủ, chơi mà các cô đã rèn sẽ bị xáo trộn.
Còn với các học sinh lớn hơn, các em hay có không khí học tập uể oải, không tập trung cho việc học, nên công việc giảng dạy của giáo viên ít nhiều cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ sau kỳ nghỉ tết, trước khi quay trở lại học, chị đều phải ngồi học cùng với con từ tối hôm trước, cùng chuẩn bị bài cho ngày học đầu năm mới, xem con đã làm đủ bài chưa, nhưng thường con chỉ học được vài phút là thấy mệt mỏi.
Không nên tạo áp lực cho học sinh ngay từ đầu năm
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô bộ môn không nên tạo ra áp lực cho học sinh ngay trong ngày học đầu tiên của năm mới.
Cần tạo cho học sinh một không khí học tập thoải mái, vui vẻ, chứ cũng không nên vừa bước vào ngày đầu năm mới đã có kiểm tra, hay là ra bài tập khó cho các em làm ngày đầu năm.
“Giáo viên luôn phải là người khởi động trước, tâm thế của người thầy phải đi đầu. Nhà trường hoạt động nghiêm túc ngay từ ngày làm việc đầu tiên.” – thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết.
Thường thì nhà trường sẽ họp mặt trước khi học sinh đi học đầu năm mới một ngày, thầy cô sẽ được Hiệu trưởng lì xì mừng tuổi, kể cả những thầy cô nào dắt con cái theo cũng vẫn được.
Đối với học sinh, thường thì giáo viên chủ nhiệm ở lớp cũng sẽ vẫn có hoạt động lì xì, mừng tuổi, chúc tết, động viên học sinh. Do ngày học đầu tiên của năm mới là mùng 7 tết (11/2), nên dự kiến, học sinh nào có mã số 7 và 11 cũng sẽ được Hiệu trưởng nhà trường mừng tuổi, khoảng 100 em.
Thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh: Những việc này chủ yếu làm cho vui, thể hiện tình cảm thầy trò, dành tình thương cho học sinh, thì các em sẽ ngoan, chăm chỉ và hứng thú với học tập hơn, chứ không nên có bất cứ một áp lực nào.
Là một giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, cô Hà Tú Trinh – Giáo viên Trường trung học cơ sở Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau kể lại: Từ nhiều năm nay, ngôi trường nơi cô giảng dạy, chưa năm nào có đầy đủ 100% học sinh quay trở lại học sau tết.
Có nhiều lý do của việc này, nhưng khi giáo viên, trường hay địa phương liên hệ, làm công tác vận động phụ huynh, thì một số em vắng mới quay trở lại trường.
Việc học sau tết của học sinh, theo cô Hà Tú Trinh nói rằng, chắc chắn sẽ có sự khó khăn hơn trước, nhất là đối với học sinh có học lực trung bình.
Đối với bản thân mình, cô Trinh ngay sau tết sẽ cho học sinh làm những bài tập đơn giản, thật nhẹ nhàng, và cũng có thông báo sau tết, học sinh sẽ có làm bài kiểm tra 15 phút, để tránh học sinh vắng mặt, không đi học mà không có lý do.
Là Hiệu trưởng của Trường tiểu học Lạc Long Quân (quận 11), cô Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, năm nào cũng vậy, ngay sau tết, trường đều tổ chức mời đoàn múa lân về để tạo không khí vui tươi cho ngày đầu năm.
Học sinh đến lớp trong ngày này sẽ được cô giáo lì xì mừng tuổi, động viên. Thông thường, học sinh cấp tiểu học, do còn nhỏ tuổi, nên các em sẽ có tâm lý uể oải, mệt mỏi là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, sau vài ngày, nhờ sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường, nhịp độ học tập của học sinh chắc chắn sẽ quay trở lại bình thường.
>> Theo hương Linh (Báo Giáo dục Việt Nam)
Comment here