Bắt đầu từ ngày 1/4, thí sinh sẽ đăng kí nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Dưới đây là một số gợi ý từ chuyên gia tuyển sinh giúp thí sinh sắp xếp thứ tự nguyện vọng dễ trúng tuyển đại học 2019.
Cách sắp xếp thứ tự nguyện vọng dễ trúng tuyển đại học 2019
Ths. Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường ĐH Tài chính – Marketing chia sẻ với nỗi băn khoăn của nhiều thí sinh trước thời điểm làm hồ sơ đăng kí nguyện vọng xét tuyển đại học đang cận kề. Bà Phụng cho biết: “Tuyển sinh năm 2019, việc đăng kí nguyện vọng (NV) năm nay không hạn chế số nguyện vọng của thí sinh.
Tuy nhiên, thí sinh chỉ nên đăng kí nguyện vọng sao cho phù hợp với năng lực, sở thích cũng như điều kiện kinh tế gia đình; không nên đăng kí tràn lan gây tốn kém cho bản thân và cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc tăng cơ hội trúng tuyển cho mình”.
Theo bà Phụng, thí sinh chỉ nên tập trung chọn từ 3 đến 5 nguyện vọng vào ngành mà mình yêu thích. Sắp xếp nguyện vọng tiên phù hợp với ngành và trường mà thí sinh muốn hướng đến.
Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự: Trước hết là số nguyện vọng có mức điểm thi cao hơn mức điểm mà khả năng thí sinh đạt được. Kế tiếp là một số nguyện vọng bằng và cuối cùng là một số nguyện vọng có điểm thấp hơn khả năng có thể đạt được trong kì tuyển sinh năm 2019.
Khi trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trong thời hạn qui định của trường. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác.
Thí sinh đã nộp giấy chứng nhận xác nhận nhập học thì sẽ không tham gia xét tuyển vào các trường và các đợt tiếp theo. Nếu thí sinh từ chối nhập học để xét vào các nguyện vọng bổ sung cần lưu ý về thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung, chỉ tiêu, hồ sơ cũng như ngành tuyển vì khả năng sẽ không còn những ngành mà thí sinh yêu thích, cũng như đúng với sở trường của mình.
Nên sắp xếp nguyện vọng theo mức độ yêu thích của bản thân
Ths. Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông ĐH HUTECH cho rằng, bí quyết giúp thí sinh chọn trường đúng nguyện vọng, đầu tiên cần xác định mục tiêu và thế mạnh của bản thân để chọn được ngành học phù hợp. Sau đó, thí sinh “khoanh vùng” những trường đại học đào tạo ngành mình hướng đến.
Giữa các trường cùng đào tạo ngành muốn thi vào, thí sinh nên tìm hiểu dựa trên các tiêu chí như: Môi trường đào tạo, định hướng và chương trình đào tạo, các địa điểm học tập, hoạt động kết nối doanh nghiệp, cơ hội nghề nghiệp, điểm chuẩn của trường…
“Trong các tiêu chí trên, thí sinh cần quan tâm nhất là điểm chuẩn. Điểm chuẩn phụ thuộc nhiều yếu tố như uy tín của trường, độ hot của ngành, số lượng thí sinh nộp hồ sơ, đặc biệt là độ khó đề thi của năm đó. Muốn biết được khoảng điểm đầu vào của ngành tại trường đại học, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn 3 – 4 năm liên tiếp để có cái nhìn toàn diện.
Đối với năng lực của bản thân, thí sinh có thể dựa vào điểm kiểm tra, điểm học tập trung bình… để ước lượng ngưỡng điểm thi mình có thể đạt được. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý với áp lực phòng thi, tâm lí thi cử căng thẳng… điểm thi thường sẽ ít nhiều thấp hơn so với điểm học tập ở lớp.
Khoảng chênh lệch này chính là điều thí sinh nên đặc biệt quan tâm để chọn trường “dự phòng” (các trường thường có ngưỡng điểm thấp hơn điểm thi của bản thân), qua đó đảm bảo khả năng trúng tuyển đại học cao nhất”, bà Dung nói.
Bà Dung tư vấn thêm, khi thí sinh đã xác định được những trường có điểm chuẩn nằm trong khoảng điểm của mình, thí sinh nên sắp xếp NV theo mức độ yêu thích của bản thân. Bởi theo qui chế, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một NV ưu tiên cao nhất (kể cả nếu điểm thi cao hơn điểm chuẩn của tất cả các NV).
Vì vậy, khi thí sinh xếp thứ tự các NV theo thứ tự ưu tiên giảm dần để đảm bảo tối đa cơ hội trúng tuyển vào đúng ngành, đúng trường yêu thích nhất.
Bên cạnh đó, bà Dung cũng khuyên thí sinh chú ý sắp xếp nguyện vọng theo “phương thức an toàn”, tức là nên có trường tương đối cao hơn, có trường ngang bằng và nhất thiết phải có trường thấp hơn điểm số dự kiến của bản thân
Theo Đời sống & Pháp lý
Comment here