Hiện tại, đặc biệt ở những thành phố lớn, rất nhiều trung tâm/trường ngoại ngữ được mở ra để phục vụ nhu cầu của trẻ và gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để tìm và lựa chọn trường ngoại ngữ phù hợp cho con. Với kinh nghiệm của mình trong ngành đã 10 năm, tôi có thể chia sẻ một số “bí quyết” để giúp ba mẹ có những quyết định đúng đắn cho trẻ.
1. Chương trình
Đã muốn “đầu tư” cho con, thì quan trọng nhất sẽ là “kết quả”. Vì vậy, trước khi bắt đầu, ba mẹ cần xác định và định hướng rõ ràng: Mục tiêu cho con học cái gì, mục đích để làm gì và với mục tiêu/mục đích đó cần học chương trình gì?
Ví dụ:
– Học lấy chứng chỉ
– Học tiếng Anh chỉ để giao tiếp
– Học tiếng Anh học thuật
Mỗi chương trình học sẽ có kết quả đầu ra khác nhau. Vì vậy, sự lựa chọn chương trình học là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất.
2. Giáo trình học
Sau khi xác định mục tiêu, chương trình, ba mẹ sẽ tìm hiểu ở các trung tâm. Ngoài các thông tin giới thiệu về trung tâm, quá trình học tập dự tính của con, thời gian học…, ba mẹ cần yêu cầu xem qua giáo trình học. Tựu chung có 3 loại như sau:
– Loại 1: Giáo trình trung tâm tự viết, in ấn bài bản, có đầu tư
Ba mẹ có thể tự tin với dạng giáo trình như thế này. Vì không ai đầu tư nhiều tiền cho việc in sách mà không có hoạt động nghiên cứu nhu cầu và khả năng của trẻ.
– Loại 2: Giáo trình của Nhà xuất bản
Ba mẹ cần kiểm tra về mục tiêu đào tạo thường ở cuối cuốn sách. Sau đó có thể tìm hiểu thêm về Nhà xuất bản, giáo trình này và các thông tin liên quan trên Google.
– Loại 3: Giáo trình cắt ghép
Trước đây loại hình giáo trình này rất phổ biến tuy nhiên giờ đây cũng đã giảm nhiều. Dấu hiệu nhận biết rất đơn giản, vì đó sẽ là một cuốn sách photo không rõ nguồn gốc. Ba mẹ không nên cho con theo học với giáo trình này.
3. Lộ trình đào tạo
Đến phần này sẽ cần kiến thức và sự kiên trì của ba mẹ rất nhiều. Nhiều ba mẹ khi nghe đến lộ trình 5-10 năm là… gạt phắt, yêu cầu rút ngắn thời gian, dăm ba tháng phải thấy được sự tiến bộ rõ rệt hoặc giao tiếp tốt… Ba mẹ thử nghĩ xem, chúng ta sống trong môi trường tiếng mẹ đẻ, nhưng cũng mất vài năm mới có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng mẹ đẻ. Vậy thì không thể trong thời gian ngắn con có thể tiến bộ vượt bậc được. Nếu có thì cũng chỉ là cảm giác, là phần “lề” chứ cái “bản” là chưa có. Nhà cấp 4 có thể không cần móng, nhưng muốn xây nhà 10 tầng, 20 tầng mà không có móng sẽ sập nhanh chóng.
Vì vậy, ba mẹ cần xem xét lộ trình học dự tính và “đầu tư” thời gian, tiền bạc, công sức để đầu tư phần móng cho con:
– Nếu tư vấn viên lấy chuẩn [Starter – Mover – Flyer – KET – PET] làm mục tiêu chính, thì ba mẹ cần sẵn sàng tâm lý cho một “cuộc chiến” luyện thi phía trước. Và không hiếm các cháu có nhiều bằng cấp quốc tế, nhưng gặp người nước ngoài lại… nấp sau lưng người lớn, do thiếu tự tin, kỹ năng giao tiếp và kiến thức xã hội.
– Nếu tư vấn viên đảm bảo giao tiếp như người bản xứ, thì thông thường đó sẽ là giao tiếp xã hội là chính – mà không có nhiều kiến thức về văn hóa, xã hội.
Vì vậy, nếu một trung tâm cho ba mẹ xem mục tiêu rõ ràng thì ba mẹ cần xác định kỹ “đầu ra” của các con theo mỗi 1 năm, 2 năm, 5 năm. Nếu sau 5 năm mà con vẫn chỉ… giao tiếp, chưa thể viết tập làm văn, đọc truyện, thuyết trình… thì phải đặt dấu hỏi ngay. Nếu học mãi mà cũng chỉ… giao tiếp tốn thì vừa tốn sức, lại tốn tiền đấy ạ.
4. Giáo viên
Tôi sẽ không khuyên ba mẹ hỏi “Bằng cấp giáo viên là gì?”. Bởi trung tâm nào cũng sẽ có 1 câu trả lời: “Bằng cấp giáo viên bên em đạt chuẩn”. Thực tế, trong nhiều trường hợp, “bằng cấp” đó chỉ là chứng chỉ TESOL mất 100h là hoàn thành.
Ngoài ra, dù các mẹ yêu cầu bằng được Giáo viên có bằng cấp “cực xịn”, nhưng có chắc giáo viên đó theo dạy con mình đến hết lộ trình được hay không?
Vì vậy, thay vì hỏi bằng cấp giáo viên, ba mẹ nên đặt một câu hỏi khác: “Trung tâm có cách nào để quản lý chất lượng chương trình?”, hoặc “Cách quản lý giáo án, bài giảng trong lớp học?”, hoặc “Trung tâm có bị phụ thuộc vào giáo viên giỏi hay không?”.
Tùy vào câu trả lời của trung tâm mà ba mẹ có thể đưa ra quyết định. Và có thể đặt niềm tin ở những trung tâm có giáo án chuẩn cho từng bài, với mục tiêu mỗi ngày rõ ràng, cụ thể. Tại sao vậy? Vì với một kế hoạch cụ thể, một giáo viên “chưa giỏi lắm” không dạy được 10 phần thì cũng không thể dưới 5 phần. Vậy sẽ an tâm hơn.
5. Học phí
Lời khuyên của tôi là: Nếu sau khi xem xét 2 chương trình, thấy tương đương nhau mà cứ bên nào to đẹp hơn, quảng bá rầm rộ hơn, trông có vẻ chuyên nghiệp hơn thì ba mẹ hãy chọn… bên còn lại.
Nhiều năm làm việc với những chương trình giáo dục sớm, dạy tiếng Anh…, tôi thấy rằng nhiều phụ huynh cực kỳ “lười” trong việc tìm hiểu chương trình. Nghe cái gì mà thấy học thuật, khó hiểu chút là… chán, chẳng muốn nghe, chỉ chăm chăm hỏi chi phí và lịch học, xem có phù hợp với mình không, và tin tưởng vào việc quảng cáo marketing rầm rộ là mặc nhiên cho rằng quy mô ngon lành, uy tín ầm ầm. Chi phí đấy do các mẹ trả đấy chứ ạ.
Tôi cũng có cơ hội làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Họ về Việt Nam và “choáng” vô cùng với độ hoành tráng của các trung tâm Việt. Ở nước họ, đa số chi phí sẽ dồn vào việc xây dựng, nâng cấp chương trình học nên có rất ít chi phí cho Marketing và tòa nhà.
6. Quyền trợ giúp nhờ người thân
Cũng có khá nhiều ba mẹ không bị các mẩu quảng cáo làm ảnh hưởng thì sẽ hỏi thăm qua các kênh bạn bè, người thân và nhờ họ chia sẻ bí kíp. Tuy nhiên, nhiều ba mẹ không giỏi tiếng Anh, nên có những trường hợp sẽ đánh giá chủ quan và cảm tính trong việc trẻ giỏi hay dở.
Tôi có 1 ví dụ nhỏ: Một đứa trẻ được đầu tư học tiếng Anh 5, thậm chí 10 năm mà nói tiếng Anh giỏi như bé 6 tuổi nói tiếng Việt là chưa chắc tốt. Vì bé 6 tuổi thường chỉ nói về các vấn đề quen thuộc như ăn uống, sở thích, chơi đùa, bạn bè (do con chưa đi học). Nhưng bé học tiếng Anh lâu mà vẫn chỉ nói về những vấn đề xung quanh mình mà chưa thể triển khai các chủ đề liên quan văn học, quan điểm, khoa học, lịch sử, địa lý… thì là sự lãng phí thời gian.
Vậy ba mẹ không biết tiếng Anh có thể đánh giá con của… “người quen” học có chất lượng không, thì có thể kiểm tra bằng cách: Đưa cho trẻ 1 cuốn sách, hỏi con có thể đọc không, và tùy độ tuổi mà khả năng lưu loát khác nhau. Ví dụ học 2 năm đã có thể viết được 100 chữ, đọc được 300 chữ… Hoặc cũng có thể lắng nghe bé nói về một chủ đề nào đó. Tuy cách này cũng khá chủ quan, nhưng cũng hỗ trợ cho ba mẹ phần nào.
Hy vọng với một số thông tin trên sẽ phần nào giúp ba mẹ có cái nhìn đúng hơn trước khi lựa chọn trung tâm anh ngữ phù hợp cho con mình.
Phùng Thị Hải Âu – Chuyên gia lĩnh vực giáo dục sớm cho trẻ em (Báo đời sống pháp luật)
Comment here