Tin tức

Kỹ năng sống giúp con trở thành ứng viên mọi nhà tuyển dụng đều “thèm muốn” trong tương lai

ky nang song cho tre em

Tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng với tấm bằng loại ưu chưa đủ để đảm bảo tương lai tươi sáng cho con của bạn. Kỹ năng sống này mới là thứ giúp con trưởng thành và đứng vững ở mọi hoàn cảnh.

Ngày nay, việc tốt nghiệp đại học với một tấm bằng loại ưu không còn là yếu tố đảm bảo cho một công việc như ý ngay sau khi ra trường. Thị trường việc làm hiện nay rất phong phú nhưng cũng rất cạnh tranh. Các nhà tuyển dụng rất cần người nhưng không hề dễ dãi trong việc tuyển nhân viên chỉ dựa vào bằng cấp.

Một nhà tuyển dụng (giấu tên) chia sẻ: “Tôi thường gặp những người có bằng Thạc sĩ, thậm chí cả Thạc sĩ MBA (quản trị kinh doanh) với những kỳ vọng cao vào công việc cũng như giá trị của bản thân, nhưng họ không biết rằng họ chẳng có chút kỹ năng nào tương xứng”.

Vậy cha mẹ – với cương vị là những người thầy đầu tiên của con cái có thể làm gì để thay đổi tình trạng này không? Có cách nào để con mình trở thành một nhân viên mà mọi công ty muốn thuê về làm, dù cấp độ bằng cấp có thế nào đi nữa?

ky nang song cho tre em

Tháo vát, linh động là chìa khóa

Hầu hết những ứng viên đi tìm việc đều nắm trong tay những tấm bằng đủ trình độ, đẳng cấp nhưng lại thiếu tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết vấn đề thực tế. Nhất là với thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000), họ được giáo dục và đào tạo theo một bộ khung về thành công, nên tính tháo vát trong xoay chuyển vấn đề khá hạn chế. Đâu là nguyên nhân của chuyện này?

 

Những lời khen, những món quà chính là thủ phạm

Alfie Kohn, tác giả của cuốn sách “Punished by Rewards: The Problem with A’s, Praise and Other Bribes” (Những món quà khiến trẻ hư người: Vấn đề với những lời khen ngợi và các phần thưởng khác), đã chỉ ra cách cư xử của phụ huynh ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái.

ky nang song cho tre em

Người lớn có xu hướng đưa ra lời khen thái quá hoặc trao tặng những món quà, phần thưởng cho con cái khi chúng tìm ra được câu trả lời “chính xác” cho một vấn đề nào đó, và điều đó vô tình khiến chúng mất đi động lực để tìm kiếm sự thay đổi. Thay vào đó, chúng mong đợi phần thưởng cho những việc mà chúng được yêu cầu thực hiện.

Trẻ em không cảm thấy thú vị khi thực hiện nhiệm vụ mà chỉ tập trung vào việc làm đúng, làm xong và có được khen ngợi, phần thưởng hay không? Trong quá trình đó, khả năng mắc sai lầm, khả năng học hỏi và phát triển từ những điều mới bị giảm đi, tạo ra một thế hệ kém chủ động.

 

Cha mẹ hãy dạy trẻ tập trung vào cách giải quyết vấn đề

Thay vì hứa hẹn cho trẻ một phần thưởng nếu giải quyết xong vấn đề thì chúng ta có thể khen ngợi chúng nếu tìm ra những cách giải quyết khác nhau. Vấn đề không nằm ở kết quả mà nó phải là quá trình, là sự kiên trì, nỗ lực, là những công cụ mà con đã sử dụng hay những cách thức mà con đã thử để thành công. Điều này tạo ra sự tự tin và những gì gọi là “động cơ bản chất”, thúc đẩy đứa trẻ trở nên linh hoạt và tháo vát hơn trong việc giải quyết vấn đề. Khi con trưởng thành, các nhà tuyển dụng đánh giá cao điều này hơn những tấm bằng giấy rất nhiều!

Hoài Thu

Theo Trí thức trẻ/INC

Comment here